Lịch sử Công_nghệ_Bayer

Công nghệ Bayer được Karl Bayer phát minh vào năm 1887. Khi làm việc ở Saint Petersburg, Nga ông đã phát triển từ một phương pháp ứng dụng alumina cho ngành công nghiệp dệt (nó được dùng làm thuốc cẩn màu trong nhuộm sợi bông), vào năm 1887 Bayer đã phát hiện rằng nhôm hydroxide kết tủa từ dung dịch kiềm ở dạng tinh thể và có thể tách lọc và rửa dễ dàng, trong khi nó kết tủa bởi sự trung hòa dung dịch trong môi trường acid thì ở dạng sệt và khó rửa sạch.

Một vài năm trước đó, Louis Le Chatelier ở Pháp đã phát triển phương pháp để tạo ra alumina khi nung bauxit trong natri cacbonat, Na2CO3, ở 1200 °C, tạo ra natri aluminat (NaAlO2) và nước, sau đó tạo kết tủa nhôm hydroxide bằng cacbon dioxide, CO2, tiếp theo nhôm hydroxide được đem đi lọc và làm khô. Quá trình này bị lãng quên khi phương pháp của Bayer ra đời.

Công nghệ này trở nên rất quan trọng trong ngành luyện kim cùng với những phát minh về điện phân nhôm vào năm 1886. Cùng với phương pháp xử lý bằng xyanua được phát minh vào năm 1887, công nghệ Bayer khai sinh ra lĩnh vực thủy luyện kim hiện đại.

Ngày nay, công nghệ này vẫn gần như không thay đổi và nó tạo ra hầu hết alumina của thế giới, được cung cấp như một sản phẩm trung gian trong sản xuất nhôm.